I.TÊN GỌI DI TÍCH
- Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu
- Tên gọi khác: Di tích lịch sử Cây đa Mường Lựm; di tích lịch sử Cây đa Nóng Luông
Toàn cảnh di tích. Ảnh St
. - Lịch sử tên gọi: Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Tỉnh ủy Sơn La quyết định thành lập Chi bộ Yên Châu trực thuộc Tỉnh ủy, đồng chí Trần Quang Hòa ở Phù Yên được Tỉnh ủy điều động lên làm Bí thư chi bộ. Tại cây đa bản Lựm (nay là bản Na Băng) xã Mường Lựm, Chi bộ Yên Châu được thành lập gồm 04 đồng chí: Trần Quang Hòa, Trần Hạnh, Hoàng Thưởng, Cầm Khương (Vũ Nguyên Hòa).
Việc thành lập Chi bộ Yên Châu là một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở Yên Châu. Từ đây, nhân dân các dân tộc Yên Châu có chi bộ Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến, đưa sự nghiệp cách mạng ở Yên Châu tiến lên, giành nhiều thắng lợi to lớn. Chi bộ Yên Châu ra đời là tiền đề quan trọng tiến tới thành lập Ban cán sự đảng Yên Châu, sau này là Đảng bộ huyện Yên Châu.
70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc Yên Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, đấu tranh kiên cường, lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đưa Yên Châu ngày càng phát triển.
II. ĐỊA ĐIỂM VÀ CHỈ DẪN ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH
1. Địa điểm di tích
- Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu nằm trên đồi Co bả, thuộc bản Na Băng, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
- Về mặt địa lý: Di tích cách trụ sở UBND xã Mường Lựm về phía Tây Nam khoảng 1,5km. Phía Bắc, Đông và Tây giáp cánh đồng Nóng Luông, phía Nam giáp đất gia đình ông Hoàng Văn Mỡ (bản Na Băng).
2. Chỉ dẫn đường đi đến di tích
Đường đến di tích thuận lợi với các loại phương tiện giao thông đường bộ như xe đạp, xe máy, ô tô hoặc đi bộ.
Từ thành phố Sơn La theo Quốc lộ 6 xuôi về Hà Nội khoảng 75 km (qua huyện lỵ Yên Châu) đến km 230 thuộc bản Đoàn Kết, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu. Từ km 230, rẽ trái (về hướng Bắc) theo con đường dân sinh đã rải nhựa khoảng 15km, đi qua các bản Huổi Thón, Hang Hóc (xã Chiềng Hặc), bản Lóng Khướng đến trung tâm xã Mường Lựm. Từ trụ sở UBND xã rẽ theo hướng Đông Nam theo con đường liên bản khoảng 1km, đi qua bản Lựm, đến bản Na Băng nơi có di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu (tại Cây đa Mường Lựm).
III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH
1. Khái quát lịch sử vùng đất và con người Yên Châu.
Theo sử cũ ghi chép lại, Yên Châu ngày xưa là vùng đất nằm giữa những Mường lớn của người Thái, như Mường Sang (Mộc Châu) và Mường Mụa (Mai Sơn)[2]. Người Thái Tây Bắc quen gọi vùng đất này là Mường Vạt, tên gọi này xuất hiện vào thế kỷ XIII, tương đương với thời kỳ người Thái di cư từ nước Lào sang cư trú tại địa bàn Mường Sang[3]. Khi đó trung tâm Mường Vạt đóng ở Chiềng Khoóng (nay thuộc xã Sặp Vạt), nên Mường Vạt còn có tên gọi là Chiềng Khoóng. Thời Trần, Mường Vạt được gọi là Mường Việt[4], Trần Minh Tông sau khi đánh Ngưu Hống đã đóng quân ở đây và gọi là phủ Thái Bình[5]. Đầu thời Lê, phủ Thái Bình được đổi thành Việt Châu. Đến thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Việt Châu được đổi thành Yên Châu, tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện nay, Yên Châu có 01 thị trấn và 14 xã, gồm 196 bản, tiểu khu, với tổng diện tích đất tự nhiên 85.775,9ha. Yên Châu nằm trên trục Quốc lộ 6, cách Hà Nội 240km về phía Tây Bắc, cách thành phố Sơn La 62 km về phía Đông, có 47 km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào[7]. Yên Châu là địa bàn cư trú chủ yếu của 5 dân tộc anh em: Thái, Mông, Kinh, Xinh Mun và Khơ Mú, dân số 75.942 người[8], trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 50%. Đồng bào các dân tộc Yên Châu sinh sống xen kẽ trên cùng một địa bàn, mỗi dân tộc có trình độ phát triển kinh tế riêng. Tuy khác nhau về nguồn gốc, nhưng ở họ có đặc điểm chung là ý chí tự lập, tự cường, cần cù trong lao động sản xuất, đoàn kết, anh dũng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước. Trong quá trình sinh sống, đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo nên trong bức tranh văn hóa đa dạng, mang đậm bản sắc tộc người ở vùng Tây Bắc. Ngày nay, truyền thống văn hóa đó đang được đồng bào Yên Châu tiếp tục vun đắp, giữ gìn và phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh nội sinh đưa nền kinh tế Yên Châu ngày càng phát triển, hòa nhập với sự phát triển chung của tỉnh và cả nước.
Dân tộc Thái chiếm đa số, phân bố hầu hết các xã trong huyện, địa bàn cư trú tập trung quanh các sườn đồi, thung lũng ven sông suối, nơi có ruộng đồng để trồng lúa nước. Người Thái Yên Châu thuộc ngành Thái đen, nhóm Thái địa phương riêng có ở vùng Yên Châu... Dân tộc Kinh sớm định cư tại tại Yên Châu chủ yếu qua nghề buôn bán hàng tạp hóa, hàng nông lâm sản ở vùng ven, dọc sông Đà. Sau hòa bình lập lại, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai hoang, lập vùng kinh tế mới ở Tây Bắc, dân tộc Kinh lên Yên Châu ngày càng đông, cư trú chủ yếu dọc Quốc lộ 6 và một số xã vùng cao như Lóng Phiêng, Yên Sơn, Phiêng Khoài… Dân tộc Mông có số dân đứng hàng thứ 3 sau dân tộc Thái và dân tộc Kinh, địa bàn cư trú chủ yếu ở những vùng núi cao từ 800-1000m (so với mặt nước biển). Với điều kiện địa lý tự nhiên như vậy, làm nương rẫy là nghề chính với các loại cây lương thực chủ đạo như ngô, lúa, đậu…Dân tộc Khơ Mú chiếm tỷ lệ nhỏ so với dân số trong toàn huyện, có nghề trồng lúa nước truyền thống, nguồn sống chính dựa vào nông nghiệp...Cũng như dân tộc Khơ Mú, dân tộc Xinh Mun tuy có số lượng rất ít, cư trú ở địa bàn các xã vùng cao, sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, trồng lúa nếp và ngô là chính.
Quá trình lịch sử đã hình thành những nét văn hóa đặc trưng về nhân cách con người Yên Châu, với truyền thống đoàn kết, anh dũng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, ý chí tự lập, tự cường trong lao động sản xuất. Nhân dân các dân tộc Yên Châu có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc và thuần khiết của đồng bào Tây Bắc. Đó chính là mạch nguồn sâu thẳm hun đúc nên tính cách và bản lĩnh của con người Yên Châu cùng đồng bào các dân tộc Sơn La lập nên nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước hôm nay.
2. Tình hình Yên Châu trước khi có sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng.
2.1. Yên Châu dưới thời Pháp thuộc và khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám - 1945.
Về kinh tế: Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nền kinh tế Yên Châu chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác lạc hậu, năng suất thấp, không đủ để đảm bảo cuộc sống. Phần lớn, đất đai, ruộng nương, ao hồ đều nằm trong tay của phìa, tạo và các chức dịch của địa phương. Vì vậy, đời sống của người dân Yên Châu vô cùng cực khổ, quanh năm đói rách và thiếu thốn. Bên cạnh đó, thực dân Pháp duy trì các hình thức bóc lột của chế độ phong kiến, phổ biến là “cuông”, “nhốc”[11] với nhiều loại thuế vô lý như: Thuế thân, thuế vợ chồng… và nhiều khoản cống nạp khác.
Về chính trị: Dưới ách thống trị của chế độ phong kiến, quyền lực chỉ tập trung vào tay những dòng họ quý tộc lớn theo hình thức cha truyền con nối. Thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị, biến Tây Bắc thành một xứ biệt lập trên lãnh thổ Việt Nam. Ngay khi mới đặt chân lên Sơn La (1888) chúng đã thiết lập ngay một bộ máy thực dân ở tỉnh và giữ nguyên bộ máy chính quyền phong kiến. Kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, nhằm chia rẽ giữa dân tộc Kinh với các dân tộc miền núi; Giữa dân tộc Thái với các dân tộc ít người với mục đích làm cho các dân tộc chia rẽ, mất đoàn kết lẫn nhau, mà quên đi kẻ thù chính là thực dân Pháp và bọn quan lại phong kiến.
Về văn hóa - xã hội: Cùng với ách áp bức, bóc lột tàn nhẫn bằng phu phen, tạp dịch và thuế khóa nặng nề, thực dân Pháp áp dụng chính sách “ngu dân” để kìm hãm người dân trong vòng u mê, tăm tối bằng hệ thống giáo dục nhỏ giọt. Ngoài ra, chúng còn khuyến khích và duy trì các hủ tục lạc hậu khác, hậu quả là 99% dân số Yên Châu bị mù chữ. Mạng lưới y tế ở huyện hầu như không có, các loại bệnh tật nguy hiểm như: sốt rét, đậu mùa, phong, lao… hoành hành dữ dội. Người dân ốm đau chỉ biết mời thầy mo về cúng và tự chữa trị bằng cách uống thuốc nam gia truyền.
Truyền thống yêu nước: Chính vì phải sống trong cảnh áp bức bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu. Nên khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và đem quân tiến đánh Sơn La, nghe theo tiếng gọi cứu nước của chiếu Cần Vương, nhân dân các dân tộc Yên Châu đã tích cực tham gia nghĩa quân vùng Thập Châu đánh Pháp. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, lúc này, ở Yên Châu vẫn còn cuộc đấu tranh do Lý Bun đứng đầu. Ông đã cùng các bô lão trong vùng tố cáo tội ác của bọn phìa, tạo. Ngoài ra nhân dân các dân tộc Yên Châu còn tiếp tục cùng nhiều châu khác trong tỉnh đấu tranh chống bọn phìa, tạo phong kiến với phong trào “chiêu dân, chống thẻ”[12], đòi giảm thuế, bớt ruộng chức, chống đi phu, đi lính...
Tuy các cuộc đấu tranh của đồng bào Yên Châu không mang lại thắng lợi, nhưng điều đó đã thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc quyết không chịu sống cuộc đời lầm than, nô lệ đã cùng nhau vùng lên đấu tranh chống kẻ thù và bọn phong kiến tay sai. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xây dựng nhà tù Sơn La, với mục đích giam giữ tù thường phạm. Nhưng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03-02-1930) và trực tiếp lãnh đạo nhân dân đứng lên chống ách thống trị bạo tàn của thực dân, phong kiến; thực dân pháp đã mở rộng quy mô và biến nhà tù Sơn La trở thành nơi đày ải, giam cầm các chiến sĩ cộng sản. Nhưng chính tại đây các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù đế quốc thành trường học và truyền bá tư tưởng ánh sáng cách mạng của Đảng đến với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Từ đó nhân dân Sơn La đã đứng lên làm cách mạng trên quê hương của mình. Nhiều nơi đã thành lập được tổ chức Thanh niên cứu quốc, như ở Mường La, Mường Chanh và tỉnh lỵ. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù Sơn La, Hội Thanh niên cứu quốc đã tuyên truyền, giác ngộ thanh niên các dân tộc có tư tưởng tiến bộ, sớm tiếp thu lý tưởng cách mạng của Đảng tham gia cách mạng, trong đó có một số thanh niên, học sinh là người Yên Châu như: Lừ Văn Mừng, Hoàng Luông, Hoàng Sáy và Hoàng Tủi[13]. Sớm giác ngộ tư tưởng cách mạng, một số đồng chí như Hoàng Luông, Hoàng Sáy được đồng chí Chu Văn Thịnh bí mật vận động, giác ngộ để xây dựng cơ sở cách mạng đã trở về quê nhà, khẩn trương tập hợp lực lượng thanh niên tiến bộ ở Yên Châu vào tổ chức hoạt động hướng đạo hợp pháp. Đến tháng 4 năm 1945, Hội nghị thanh niên Yên Châu được triệu tập ở xã Chiềng Sàng với hơn 60 đại biểu thanh niên tiến bộ về dự; sau hội nghị thành lập Hội thanh niên cứu quốc, các đại biểu thanh niên đã trở về cơ sở hoạt động. Hội thanh niên cứu quốc đã gây được cảm tình và sự ủng hộ của nhân dân, do đó bọn quan lại, phìa, tạo, không còn thẳng tay đàn áp nhân dân thậm tệ như trước.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chu Văn Thịnh, tháng 6 năm 1945, Hội nghị thanh niên lần thứ hai được triệu tập tại bản Huổi Hẹ (Viêng Lán), hội nghị đã quyết định đổi tên “Hội thanh niên” thành Đội thanh niên cứu quốc và đi vào hoạt động bí mật. Đây là lực lượng cách mạng đầu tiên của huyện, là lực lượng nòng cốt khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Châu năm 1945. Sự ra đời của Đội thanh niên cứu quốc Yên Châu đã đánh dấu sự giác ngộ lí tưởng cách mạng, lòng nhiệt tình của thanh niên Yên Châu đã biết tập hợp sức mạnh, hăng hái đấu tranh dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của địa phương. Hoạt động của Đội thành niên cứu quốc Yên Châu là bước tập dượt đầu tiên cần thiết, chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Yên Châu.
Đội Thanh niên cứu quốc Yên Châu đang huấn luyện ở Mường Chanh, dưới sự chỉ đạo của Hoàng Sáy cùng với một đơn vị chiến đấu ở Mường Chanh đã tiến quân về khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Châu. Đúng trưa ngày 24-8-1945, tên tri châu Bạc Cầm Huy đầu hàng, trao nộp vũ khí, ấn tín, chuyển giao chính quyền cho cách mạng[14]. Ta tuyên bố xóa bỏ chế độ cũ từ châu đến cơ sở. Chính quyền thuộc về tay nhân dân, Yên Châu giành được chính quyền. Đối với Yên Châu, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan chế độ thực dân nửa phong kiến, xóa bỏ chế độ phìa, tạo giải phóng nhân dân thoát khỏi kiếp nô lệ “cuông”, “nhốc”, “côn hươn”[15] của chế độ phong kiến hà khắc; đứng lên làm chủ bản, mường, nhân dân các dân tộc vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Minh.
2.2. Nhân dân các dân tộc Yên Châu xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1947)
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tuy Yên Châu chưa có đảng viên nhưng có rất nhiều thanh niên yêu nước hăng hái tham gia hoạt động, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Do đó, ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, ở châu lỵ và các xã, chính quyền được thành lập, các tổ chức: Hội Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và lực lượng tự vệ được tổ chức và hoạt động để xây dựng và bảo vệ chính quyền. Thực hiện chủ trương thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời châu và xã, tỉnh bộ Việt Minh cử đồng chí Nguyễn Chương làm chủ nhiệm Việt Minh ở Yên Châu, đồng thời Ủy ban cách mạng châu cũng được thành lập, đồng chí Hoàng Luông được bầu làm Chủ tịch, Quàng Văn Keo làm Phó chủ tịch và Lừ Văn Mừng làm thư kí. Sau đó chính quyền cấp xã, ban cán sự Việt Minh và các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi cứu quốc… được tổ chức ở khắp các xã, bản; phong trào Việt Minh ở Yên Châu cùng như các châu khác trong tỉnh lúc này đang phát triển lan rộng;
Trước tình hình đó, để tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng ở Sơn La, tháng 6 năm 1946, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Quyết lên trực tiếp làm Bí thư tỉnh uỷ, kiêm Chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh. Trung tuần tháng 10 năm 1946, Hội nghị thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh được tiến hành tại xã Hát Lót, châu Mai Sơn, gồm 8 đồng chí dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quyết[16]. Hội nghị đã bầu đồng chí Trần Quyết làm Bí thư chi bộ đồng thời kiêm Bí thư tỉnh uỷ. Chi bộ đầu tiên của tỉnh ra đời là mốc son lớn đánh dấu sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh.
Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Sơn La cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 03/01/1947, từ Chiềng Pấc, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh lỵ, Mường La, Mường Bú, Mường Chanh. Ngày 15/01/1947, địch chiếm được châu lỵ Mai Sơn, đầu tháng 2-1947, chúng chuẩn bị lực lượng đánh xuống Yên Châu. Tình hình chiến sự lan nhanh, trước sự tấn công dồn dập của địch, các cơ quan của tỉnh phải rút dần từ Hát Lót về Cò Nòi và các địa bàn phía Nam của tỉnh. Ngày 20/4/1947, địch từ Hà Lót tấn công Yên Châu dữ dội, buộc Tiểu đoàn 90 (Trung đoàn 148)[17] phải rút về Mộc Châu, Yên Châu bị địch kiểm soát.
Đầu tháng 10-1947, địch chiếm được toàn bộ Sơn La, chúng đặt lại ách thống trị, đàn áp và bóc lột nhân dân các dân tộc, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, kết hợp với thủ đoạn chia rẽ dân tộc. Chúng cho dựng một loạt đồn bốt để tiện cho việc cai quản, hà hiếp bóc lột nhân dân. Tại Yên Châu, chúng lập đồn Mường Vạt và Chiềng Đông do tên quan Pháp Guylơ Minô chỉ huy. Chúng thiết lập lại bộ máy thống trị thực dân cũ, dùng mọi thủ đoạn nhằm chia rẽ các dân tộc. Cùng chung cảnh ngộ của nhân dân các châu trong tỉnh, đồng bào các dân tộc Yên Châu phải sống trong cảnh áp bức cơ cực, đói rét và bệnh tật. Vì vậy, đồng bào ai cũng căm thù bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước.
Thực hiện đường lối kháng chiến của Mặt trận Việt Minh, ngày 16-12-1947, Tỉnh ủy họp hội nghị phát động phong trào đấu tranh và đề ra chủ trương phát triển cơ sở cách mạng đến các châu trong tỉnh. Từ đó phong trào cách mạng ở Yên Châu chuyển sang một giai đoạn mới: xây dựng cơ sở phát động du kích chiến tranh ở 3 địa bàn: Dọc biên giới Việt - Lào, dọc đường 41(nay là quốc lộ 6) và vùng dọc Sông Đà.
Có thể nói, từ năm 1945 đến năm 1947 là thời kỳ hết sức khó khăn đối với phong trào cách mạng ở Yên Châu. Với một chính quyền cách mạng còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, đời sống nhân dân còn cơ cực, khó khăn, trong khi bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở địa phương ra sức càn quét, phá hoại cách mạng, nhưng nhân dân vẫn một lòng tin tưởng và ủng hộ chính quyền cách mạng. Song, để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, đòi hỏi phải có tổ chức Đảng. Đây là một yêu cầu hết sức cần thiết để đưa phong trào cách mạng ở Yên Châu phát triển và giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
3. Chi bộ Yên Châu ra đời, lãnh đạo nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3.1. Chi bộ Yên Châu ra đời.
Bước sang năm 1948, vùng hạ huyện Mộc Châu trở thành khu căn cứ kháng chiến của tỉnh. Đảng bộ tỉnh chủ trương phải nhanh chóng khôi phục cơ sở, xây dựng căn cứ kháng chiến trong vùng địch tạm chiếm. Để bảo vệ thành quả và phát triển phong trào cách mạng, khắc phục khâu thiếu cán bộ cho Sơn La, Trung ương đã điều động nhiều đợt cán bộ miền xuôi từ các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Tây, Nam Định, Hà Nam lên Sơn La công tác, trong đó có Yên Châu.
Đầu năm 1948, Tỉnh uỷ đã cử một tổ cán bộ gồm các đồng chí Trần Hạnh (tổ trưởng), đồng chí Lò Văn Sinh (tức Việt Thái) và đồng chí Linh (người Sổm Lồm, Mộc Châu) từ khu căn cứ Mộc Hạ lên Yên Châu gây dựng cơ sở và hoạt động bí mật. Tổ đã bắt liên lạc với với cán bộ trung kiên cũ là các đồng chí Vì Mậu, Hoàng Luông và Hoàng Sáy, tại bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc. Trong thời gian ngắn tuyên truyền, giác ngộ, tổ công tác đã được nhân dân bản Nà Ngà tin tưởng nuôi giấu, trở thành cơ sở đầu tiên kể từ sau khi thực dân Pháp quay lại xâm lược. Từ cơ sở bản Nà Ngà, tổ công tác bắt đầu phát triển vào khu vực Mường Lựm, bắt liên lạc với các đồng chí trung kiên như Hoàng Văn Cấu, Tạo San… Sau đó, đồng chí Trần Hạnh về Mộc Hạ báo cáo tình hình, nhận chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy về công tác vùng địch hậu. Căn cứ diễn biến tình hình, Tổ công tác của đồng chí Trần Hạnh được tỉnh bổ sung đồng chí Hoàng Thưởng và đồng chí Thắm tiếp tục gây dựng cơ sở ở Mường Lựm và phát triển lên vùng Tạ Khoa (thuộc huyện Bắc Yên ngày nay). Tuy nhiên, địch tăng cường đóng đồn bốt ở khắp nơi nhất là ở Mường Lựm, Lái Ngài, bản Đán, tung bọn mítse[18] ráo riết lùng sục, dò xét, dẫn đường đến vây úp, lùng bắt cán bộ. Trong một trận vây úp của địch ở Mường Lựm, các đồng chí Việt Thái, Đinh Văn Duyến, Đinh Văn Chắt trong tổ cán bộ của ta đã anh dũng hy sinh.
Với tinh thần quyết tâm bám đất, bám dân, dựa vào những quần chúng trung kiên và sự che chở của đồng bào, các cán bộ của ta đã tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng ủng hộ kháng chiến, đưa quần chúng ra đấu tranh, tạo đường dây liên lạc từ căn cứ kháng chiến của tỉnh ở Mộc Hạ lên Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu. Một số đồng chí ở lại bám dân ở vùng dọc sông Đà từ Mõm Bò đi Tạ Khoa để gây dựng cơ sở, chuẩn bị tiếp đón bộ đội chủ lực, đồng thời phát động chiến tranh du kích. Để thực hiện âm mưu chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, tháng 4-1948, thực dân Pháp thành lập “Xứ Thái tự trị” giả hiệu, nhằm lừa bịp, mua chuộc dân tộc Thái. “Xứ Thái tự trị” gồm 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Phong Thổ và nằm trong khối liên hiệp Pháp với 16 châu Thái.
Trước tình hình đó, Liên khu X[19] chỉ đạo xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền để vào hoạt động, gây cơ sở ở vùng sau lưng địch. Bộ Tư lệnh Liên khu X quyết định tăng cường cho Sơn La lực lượng quân chủ lực gồm: Đại đội độc lập 860 (tháng 1-1948), Đại đội 870 (tháng 6-1948), Đại đội 818 (tháng 10-1948), Đại đội 834 (tháng 11-1948). Quyết định này đã cổ vũ mạnh mẽ tới tinh thần đấu tranh cách mạng và hăng hái tham gia kháng chiến của nhân dân các dân tộc Yên Châu. Một số vùng trong huyện đã dấy lên phong trào xây dựng khu du kích, khu tranh đấu, tiêu biểu là vùng dọc biên giới Việt - Lào, vùng dọc sông Đà, Tú Nang và dọc đường 41 giáp Mộc Châu.
Tại Mường Lựm, tháng 5-1948, đội vũ trang tuyên truyền của Đại đội 860 thuộc Trung đoàn 148 từ Mộc Châu lên hoạt động và điều tra tình hình địch ở Yên Châu đã bắt tên phó phìa Hoàng Văn Khù. Ngay sau đó, địch ở đồn Yên Châu điều 45 lính khố đỏ, 100 lính dõng đến Mường Lựm để cứu nguy và đánh úp bộ đội ta ở lũng Nặm Thín. Quân ta phục kích tiêu diệt 12 tên lính dõng, 3 lính khố đỏ, buộc chúng phải rút quân về đồn huyện lỵ; trên đường rút, chúng lại bị bộ đội ta phục kích ở Huổi Luông; ta tiêu diệt 17 tên, bắn bị thương 20 tên, thu 2 súng ngắn, 35 súng trường và 3 súng moócchiê[20]. Thắng lợi đó đã làm nức lòng nhân dân quanh vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ đang hoạt động ở đây liên lạc, bắt mối được với cơ sở và vận động nhân dân vào rừng lập lũng lán và khu du kích.
Tháng 5-1948, Tỉnh uỷ Sơn La thành lập hai đội xung phong tuyên truyền Quyết Tiến và Chiến Thắng. Đội xung phong Chiến Thắng do đồng chí Hoàng Cầm La (tức Vũ Ngọc Thành) - Bí thư châu bộ Việt Minh Mường La phụ trách có nhiệm vụ gây cơ sở, phát triển phong trào kháng chiến trong lòng địch ở huyện Mường La16, tiến dần vào vùng Tỉnh lỵ. Đội Quyết Tiến do đồng chí Cầm Van (tức Ngọc Tình) phát triển cơ sở ở vùng Yên Châu, dọc biên giới Việt - Lào vào Mai Sơn. Các đội xung phong của tỉnh phối hợp với đội xung phong Lào-Bắc[21] của Liên khu X xây dựng được cơ sở vững chắc ở vùng Phiêng Sa[22], giáp với tỉnh Xiềng Khọ của nước bạn Lào. Được sự hỗ trợ lớn của các đội vũ trang tuyên truyền và cán bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Yên Châu tin tưởng, quyết tâm đi theo Việt Minh kháng chiến. Trong các phong trào đấu tranh đó xuất hiện nhiều quần chúng trung kiên ưu tú - đó là những điều kiện hết sức quan trọng cho sự ra đời của chi bộ Đảng ở Yên Châu.
Bị thất bại liên tiếp và nặng nề, địch tập trung lực lượng tiến hành khủng bố, đánh úp hàng loạt các lũng lán của ta ở Mường Lựm, bắt nhân dân ở tập trung quanh đồn, gây rất nhiều khó khăn cho phong trào cách mạng. Cán bộ đến hoạt động ở Yên Châu, nhiều đồng chí bị giặc bắt, giết hại. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Sơn La chỉ đạo phải đẩy mạnh công tác phát triển và xây dựng tổ chức đảng ở Yên Châu để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Được sự quan tâm, giúp đỡ trực tiếp của đồng chí Trần Quyết, qua thời gian thử thách, ngày 14-11-1947 đồng chí Trần Hạnh và đồng chí Hoàng Thưởng[23] được kết nạp vào Đảng. Song, do lúc này Yên Châu chưa thành lập được chi bộ, các đảng viên vẫn tham gia sinh hoạt với chi bộ cơ quan tỉnh và là những người trực tiếp nắm các chủ trương, chỉ thị của tỉnh để triển khai hoạt động cách mạng trên địa bàn huyện.
Đầu năm 1948, Yên Châu được Tỉnh ủy tăng cường đồng chí Cầm Khương (Vũ Nguyên Hòa) là đảng viên đến hoạt động gây cơ sở địch hậu, nâng tổng số đảng viên trong huyện lên ba đồng chí. Tháng 6-1948, đồng chí Trần Quang Hòa - Tỉnh ủy viên đang công tác ở Phù Yên được Tỉnh ủy điều động về Yên Châu công tác. Ngày 11-6-1948, tại cây đa Nóng Luông, bản Lựm (nay là bản Na Băng) xã Mường Lựm, chi bộ Yên Châu trực thuộc Tỉnh ủy được thành lập. Chi bộ gồm bốn đồng chí: Trần Quang Hòa, Trần Hạnh, Hoàng Thưởng, Cầm Khương (Vũ Nguyên Hòa). Đồng chí Trần Quang Hòa được chỉ định làm Bí thư chi bộ[24].
Nơi Chi bộ Yên Châu ra đời là địa bàn vùng sâu, xa xôi, hẻo lánh, địa hình bị chia cắt bởi núi cao vực sâu chạy song song ở cả 2 phía Nam - Bắc; Xen kẽ giữa núi là thung lũng lòng chảo được bao bọc bởi những cánh rừng già, rậm rạp. Từ lâu đời, Mường Lựm là địa bàn cư trú chủ yếu của 3 dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Dao. Dưới chế độ cũ, đồng bào nơi đây chịu cảnh áp bức bóc lột nặng nề của thực dân Pháp và các thế lực phong kiến, tay sai. Đặc biệt sau khi kiểm soát cơ bản được tình hình tại Sơn La (tháng 10/1947), thực dân Pháp nhanh chóng thiết lập bộ máy cai trị của chúng từ tỉnh đến xã, bản, phát triển hệ thống ngụy quân, ngụy quyền, xây dựng đồn bốt chốt chặn tại các điểm quan trọng. Tại Mường Lựm, chúng cho xây dựng đồn bốt, bố trí một trung đội lính dõng thường trực. Chúng thường xuyên tổ chức các đợt lùng sục, càn quét trên địa bàn, thực hiện âm mưu khủng bố, đàn áp, cướp phá, với phương châm “lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh” như cướp bóc lương thực, trâu bò, bắt phu, bắt lính… khiến cho nhân dân vô cùng căm phẫn.
Sau khi tổ công tác của Tỉnh ủy vào hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng tại Mường Lựm (đầu năm 1948), đồng bào các dân tộc trong xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, tích trữ lương thực, thực phẩm giúp đỡ, nuôi dấu cán bộ Việt Minh. Do đó, mặc dù Mường Lựm bị thực dân Pháp bủa vây, kiểm soát gắt gao, nhưng thực hiện chủ trương “bám đất, bám dân” của Tỉnh ủy, Mường Lựm đã sớm xây dựng cơ sở, tạo bàn đạp cho các tổ công tác của tỉnh, của liên khu X mở rộng địa bàn hoạt động, xây dựng đường dây liên lạc từ căn cứ kháng chiến Mộc Hạ - cơ quan đầu não của tỉnh lên các châu Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu… từng bước đưa phong trào cách mạng phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh.
Hội nghị thành lập Chi bộ Yên Châu diễn ra bí mật dưới gốc đa Mường Lựm vào một đêm trăng non đầu tháng 6 (ngày 11-6-1948 tức ngày 5/5 âm lịch). Địa điểm để tổ chức hội nghị chi bộ nằm trong khu rừng cây đa (tiếng dân tộc Thái nghĩa là “Đông co bảk”), bao bọc xung quanh là những dãy núi dăng thành, cánh rừng rậm rạp, trong đó có núi Pa Toong (núi cây chuối rừng) ở phía Bắc và núi Thẳm Thọoc (núi mó nước) ở phía Nam tạo nên những bức thành lũy kiên cố che chở cho chi bộ hoạt động. Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử tại địa phương, trước đây khu vực này là một vùng hoang vắng, có nhiều thú dữ ăn thịt, nên không ai dám qua lại. Hội nghị thành lập chi bộ diễn ra nhanh gọn, bí mật trong rừng, do không có tài liệu ghi chép lại nên không ai biết rõ về sự kiện này. Sau ngày Yên Châu được giải phóng (20/11/1952), đồng chí Trần Quang Hòa và đồng chí Trần Hạnh trong những lần về thăm và công tác tại Mường Lựm kể về sự kiện này thì người dân địa phương mới biết.
Ảnh st
Việc thành lập chi bộ Yên Châu là một sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sự đấu tranh cách mạng ở Yên Châu. Chi bộ Yên Châu ra đời là tiền quan trọng để khi đủ điều kiện, tiến tới thành lập Ban Cán sự Đảng Yên Châu, sau này là Đảng bộ huyện Yên Châu.
3.2. Chi bộ Yên Châu lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển lực lượng, tiến lên giải phóng Yên Châu (1948-1952).
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Yên Châu, phong trào cách mạng của nhân dân ngày càng lớn mạnh, công tác phát triển đảng viên được tăng cường. Sau một năm ra đời, Chi bộ Yên Châu đã phát triển thêm 7 đồng chí, nâng tổng số đảng viên chi bộ là 11 đồng chí. Sau hơn một năm kháng chiến, công tác vùng địch hậu và phong trào đấu tranh du kích đã phát triển ở các huyện trong tỉnh. Ở Yên Châu, sau khi có các đơn vị Đại đội độc lập lên hoạt động, đã tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh du kích phát triển khắp các vùng. Xã Tú Nang (lúc này thuộc huyện Mộc Châu), địa bàn giáp xã Mường Lựm có phong trào kháng chiến, hoạt động của du kích Tú Nang khá mạnh. Đội du kích đã tổ chức phục kích đánh địch một số trận đánh có quy mô, giành thắng lợi, tiêu biểu như trận đánh To Buông. Năm 1948, khu du kích Tà Sại - Mường Lựm hình thành, gọi là khu du kích xã Chiềng Xôm (bao gồm cả Chiềng Sại, Chiềng Sinh).
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, ngày 6-11-1948, Ủy ban kháng chiến hành chính lâm thời huyện Yên Châu thành lập, đồng chí Hoàng Luông làm Chủ tịch, đồng chí Trần Quang Hòa làm Phó Chủ tịch, đồng chí Hoàng Sáy làm Ủy viên Thư ký. Nhiều xã có phong trào kháng chiến phát triển mạnh, Ủy ban kháng chiến hành chính các xã được củng cố. Sự ra đời của Ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp là một thắng lợi lớn của cách mạng Yên Châu. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Yên Châu và Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể quần chúng như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc... được củng cố và phát triển.
Đầu năm 1949, tổ chức đảng của chi bộ Yên Châu có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Tỉnh ủy đã chỉ đạo sáp nhập Huyện ủy Mộc Châu và chi bộ Yên Châu thành liên Huyện ủy Mộc - Yên[25] do đồng chí Bùi Thọ Chuyên làm Bí thư. Cơ quan của huyện lúc đó đóng ở khu căn cứ Mộc Hạ. Sang năm 1950, tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, chiến dịch Biên giới Thu - Đông thắng lợi, mở ra một cục diện mới, làm thay đổi lực lượng giữa ta và địch trên toàn chiến trường. Địch phải rút một số đơn vị quân Âu - Phi ở Sơn La chi viện cho chiến trường Việt Bắc. Một số đồn lẻ rút quân về củng cố công sự nên ít đi càn quét. Phong trào đấu tranh của nhân dân Sơn La ngày càng thuận lợi.
Ở Yên Châu, dưới sự chỉ đạo của huyện ủy Mộc-Yên, bộ đội địa phương phối hợp cùng dân quân du kích đánh mạnh dọc đường 41 và vùng Tạ Khoa. Nhờ vậy, đường dây liên lạc giữa các cơ sở của ta bị phá vỡ trước đây dần dần được khôi phục, củng cố lại. Mặt khác, tỉnh ủy tập trung tăng cường những đội tuyên truyền vũ trang vào vùng địch hậu hoạt động bí mật, phát triển đội du kích và các tổ chức cứu quốc, hướng dẫn họ hoạt động.
Phong trào đấu tranh du kích ở Yên Châu ngày càng phát triển mạnh mẽ: Lực lượng du kích Mường Khoa thường xuyên hoạt động quấy rối quanh đồn Mường Khoa nhằm uy hiếp tinh thần của địch. Đội vũ trang hậu địch đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực của tỉnh Sơn La và lực lượng du kích Yên Châu thường xuyên quấy rối xung quanh đồn địch, cắt dây điện thoại từ Chiềng Đông đến huyện lỵ Yên Châu. Nhờ vậy, Yên Châu đã xây dựng và phát triển được một số khu du kích, đưa dân ra đấu tranh, khiến bọn ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, lo sợ. Những trận đánh địch bằng bom mìn của bộ đội địa phương và dân quân du kích đã gây cho địch tổn thất nặng nề. Lực lượng vũ trang phối hợp với quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh bắt phu, bắt lính, diệt tề, trừ gian, phá ách kìm kẹp của địch, trở về bản cũ làm ăn. Đặc biệt, các đội du kích tập trung ở các xã, bản đã sát cánh cùng bộ đội đánh địch, phá đường giao thông, cắt dây điện thoại dọc đường 41 từ Chiềng Đông đến Tú Nang, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Tại xã Tú Nang, tháng 7.1951, lực lượng du kích Tú Nang phục kích đánh địch trên đường 41, tiêu diệt 1 tên, bắt sống 2 tên, thu 1 súng trung liên, 1 súng trường và 1 máy vô tuyến điện. Dọc đường 41 từ Chiềng Đông đến Tú Nang, các đội vũ trang tuyên truyền, công an xung phong phá rối, tiêu hao địch bằng nhiều cách đánh phù hợp, linh hoạt, đã hạn chế các cuộc lùng sục, càn quét của địch, tinh thần binh lính và ngụy quyền ngày càng suy sụp, dao động. Mặc dù sống trong vùng địch kiểm soát, nhưng phong trào đấu tranh của nhân dân Tú Nang ngày càng sôi nổi, góp phần làm suy yếu hệ thống chính quyền địch.
Những trận phục kích đánh địch bằng bom mìn của bộ đội địa phương và dân quân du kích đã gây cho địch nhiều tổn thất. Lực lượng vũ trang phối hợp với quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống nộp thóc, lúa, bảo vệ mùa màng, diệt tề, trừ gian, phá ách kìm kẹp của địch, trở về bản cũ làm ăn. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh của đồng bào vùng Chiềng Xôm, Tạ Khoa, Tà Sại, Chiềng Tương, Lóng Phiêng, Chiềng On, Tú Nang,... Đặc biệt, các đội du kích tập trung ở các xã, sát cánh cùng bộ đội đánh địch, phá đường giao thông, cắt dây điện thoại dọc đường 41 từ Chiềng Đông đến Tú Nang gây cho địch nhiều thiệt hại. Những thắng lợi đó đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân huyện Yên Châu trong vùng địch hậu.
Năm 1951, thực dân Pháp vẫn ra sức đôn quân, bắt lính để bổ sung lực lượng. Chúng tăng cường củng cố Sơn La, nhất là phòng tuyến Sông Mã và đường 41, tiếp tục mở nhiều đợt tấn công càn quét vào khu căn cứ kháng chiến và khu du kích của ta. Ngày 17-9-1951, để đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong tình hình mới, Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Quyết định số 19/QĐ/SL về việc tách liên huyện Mộc - Yên, lập lại ban huyện ủy (ban cán sự đảng) Yên Châu để trực tiếp lãnh đạo toàn diện địa bàn huyện Yên Châu[26]. Ban cán sự đảng Yên Châu do đồng chí Trần Quang Hòa - tỉnh ủy viên trực tiếp làm Bí thư, các ủy viên là các đồng chí: Hoàng Tuấn, Hoàng Thưởng, Trần Hạnh, Phạm Thanh và Nguyễn Thuyết. Sự kiện ngày 17-9-1951 - thành lập Ban cán sự Đảng Yên Châu - sau này là Đảng bộ huyện Yên Châu, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong huyện, đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ cán bộ, đảng viên Yên Châu, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo nhân dân các dân tộc Yên Châu trong giai đoạn cách mạng mới. Đến cuối năm 1952, Đảng bộ huyện Yên Châu có 3 chi bộ hoạt động ở ba vùng là Chiềng Đông, Mường Vạt và Mường Lựm, các nơi khác chưa có tổ chức đảng hoạt động.
Tháng 9 năm 1952, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng Tây Bắc. Trong chiến dịch Tây Bắc, Sơn La giữ một vị trí chiến lược và là chiến trường chính của chiến dịch. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhân dân các dân tộc Yên Châu tích cực chuẩn bị mọi mặt phục vụ chiến dịch. Ngày 20-11-1952, quân ta tấn công bao vây tiêu diệt đồn Mộc Lỵ (Mộc Châu). Phối hợp với bộ đội chủ lực, các đội du kích ở Tú Nang, Chiềng Tương, Lóng Phiêng, Chiềng On tổ chức bao vây tấn công đồn Pa Khôm, bản Đán. Địch hoảng sợ vội vã mở đường rút chạy lên đồn Yên Châu và chạy sang Lào. Cứ điểm Mộc Lỵ (Mộc Châu) - "Chiếc áo giáp sắt" của địch án ngữ đường 41 - Tây Bắc thất thủ. Địch ở các đồn ven sông Đà từ Tạ Khoa, Sốp Pưn, Chiềng Pằn đến huyện lỵ Yên Châu cũng vội vàng tháo chạy, co cụm về Nà Sản. Ngày 20-11-1952, Yên Châu hoàn toàn giải phóng.
Đêm ngày 30-11-1952, ta tổ chức tấn công vào cứ điểm Nà Sản. Sau 10 ngày chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bộ đội ta thương vong nhiều. Nhận thấy chúng ta chưa đủ sức tấn công tập đoàn cứ điểm mạnh, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định kết thúc chiến dịch vào ngày 10-12-1952.
Như vậy, sau 7 năm kiên cường, anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc Yên Châu đã tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết chặt chẽ, phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ giành được những thắng lợi vẻ vang. Ngày 20-11-1952, Yên Châu hoàn toàn giải phóng. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, nhân dân Yên Châu đã được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của thực dân và tầng lớp thống trị phong kiến tay sai; được sống trong hòa bình, tự do và độc lập, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới.
3.3. Đảng bộ huyện Yên Châu lãnh đạo nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 05-4-1960, Ban Thường vụ Khu ủy quyết định đổi tên Ban cán sự Yên Châu thành Ban chấp hành châu ủy Yên Châu[27], Ban chấp hành châu ủy gồm các đồng chí: Trần Quang Hòa, Vì Văn Lâm, Nguyễn Văn Nho, Hoàng Luông, Nguyễn Đình Toại, Hoàng Sam (trong đó đồng chí Trần Quang Hòa làm Bí thư). Việc khu ủy quyết định đổi tên gọi từ Ban cán sự Đảng sang Ban chấp hành châu ủy là sự khẳng định về sự trưởng thành và phát triển lớn mạnh của các tổ chức đảng ở Yên Châu, sau 12 năm thành lập chi bộ đầu tiên có 4 đảng viên và sau 9 năm thành lập Ban cán sự Đảng. Từ đây, phong trào cách mạng ở Yên Châu ngày càng giành được nhiều thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành châu ủy.
Ngày 15-5-1960, Đại hội Đảng bộ Yên Châu lần thứ I được tổ chức, có 65 đại biểu tham dự. Đại hội Đảng bộ châu lần thứ I thành công, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ và phong trào cách mạng của Yên Châu. Ban Chấp hành Đảng bộ châu bao gồm những đồng chí đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp, được tôi luyện trong chiến tranh, những đồng chí có phẩm chất và năng lực đảm đương nhiệm vụ trước Đảng bộ và nhân dân.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Châu không chỉ là mặt trận mà còn là hậu phương vững chắc đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến và làm tròn nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, hàng ngàn người con của quê hương Yên Châu đã lên đường tòng quân vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, hàng trăm chiến sỹ đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trận. Tại hậu phương Yên Châu, trong cuộc chiến tranh phá hoại Sơn La năm 1965 bằng không quân, đế quốc Mỹ đánh phá Yên Châu chủ yếu về giao thông, trên 90% số trận tập trung đánh vào các điểm trọng yếu như cầu Tà Vài, cầu Sắt Chiềng An, xung quanh bến phà Tạ Khoa... Trước tình hình đó, Đảng bộ, quân và dân Yên Châu đã phát huy cao nhất sức mạnh của chiến tranh nhân dân, chống lại chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống chiến đấu ngoan cường, tinh thần đoàn kết một lòng, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, với khí thế sục sôi căm thù quân xâm lược, biến thành hành động trong chiến đấu và sản xuất.
Với đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta bước vào một thời kì mới: cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với cả nước tập trung mọi sức mạnh, trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Châu nêu cao truyền thống đoàn kết, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đề ra.
Năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Châu luôn kiên trì, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, phát huy truyền thống đoàn kết trong toàn Đảng bộ, toàn dân chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao dân trí, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh... Sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự cố gắng tận tâm, tận lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong huyện vượt qua khó khăn, tập trung xoá đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, quyết tâm xây dựng Yên Châu phát triển bền vững. Đến năm 2015, kinh tế của huyện có bước phát triển khá, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp năm 2015 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 962 tỷ đồng, tăng 40,64% so với năm 2010, mức tăng bình quân 7,1%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt năm 2014 đạt 33 triệu đồng (vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội XIX là 12 triệu đồng/ha, đạt 157,14%); năm 2010 cơ cấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 11,46% trong ngành nông nghiệp, năm 2015 chiếm 17,9%. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần diện tích cây trồng trên nương, tăng diện tích trồng cây ăn quả và cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
IV. KHẢO TẢ DI TÍCH.
Từ thị trấn Yên Châu theo quốc lộ 6 đi về hướng Hà Nội khoảng 12km, đến km 230, thuộc xóm Đoàn Kết, xã Chiềng Hặc, du khách rẽ trái theo đường dân sinh khoảng 12km vào trung tâm xã Mường Lựm. Từ trụ sở UBND xã, du khách theo đường liên bản khoảng 1km về hướng Tây Nam đến bản Na Băng nơi có cây đa lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu.
Cây đa nằm trên quả đồi Đông co bả (đồi cây đa) có diện tích hơn 3.000m2, bao quanh đồi ở các phía Bắc, Đông, Tây là cánh đồng Noóng Luông. Phía Nam giáp đất ở của gia đình ông Hoàng Văn Mỡ và các trường tiểu học, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mường Lựm. Đông co bả là một quả đồi thấp giống như chiếc bát úp, đồi có chiều cao (tính từ chân đồi giáp ruộng) khoảng 12-15m so với mặt bằng của cánh đồng Noóng Luông (ao lớn).
Theo lời kể của cụ Lò Văn Chẹt (sinh năm 1938), dân tộc Thái ở bản Lựm, nguyên Bí thư chi bộ xã Mường Lựm giai đoạn 1970-1985[29]: Nơi đây trước kia là một khu rừng rậm rạp, không có đường đi. Trên mỏm đồi Đông co bả có 4 cây đa mọc tự nhiên ở các hướng Bắc (1 cây), hướng Đông Bắc (1 cây) 2 cây còn lại ở hướng Tây Nam. Lúc bấy giờ, 4 cây đa um tùm, chụm đầu vào nhau, dưới chân là các cây dây leo chằng chịt, rậm rạp (vì vậy người Thái gọi khu vực này là đồi Đông co bả, nghĩa là rừng cây đa) tạo nên bức thành lũy kiên cố che chở cho cán bộ hoạt động cách mạng.
Cụ Chẹt kể một câu chuyện dân gian người dân địa phương thường truyền tai nhau liên quan đến cây đa: Trong thời gian thực dân Pháp đóng đồn bốt trên đồi Pom Đôi nằm cách cây đa chừng khoảng 2km về phía Tây Nam, do nghi ngờ đồi Đông co bả là nơi hội họp của Việt Minh, chúng đã cử một tốp lính đặt thuốc nổ để phá 4 cây đa, nhưng không những thuốc không nổ mà đêm hôm đó khi tên lính đặt thuốc nổ trở về đồn đã bị rắn bò vào cắn chết. Từ đó chúng gọi đó là khu rừng ma và không dám bén mảng đến nữa.
Trong 4 cây đa, hiện nay chỉ còn lại cây đa phía Đông Bắc, 3 cây khác đã bị chết do tuổi đa đã cao[30] thân cây bị già khô mục, mặt khác do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự tàn phá của các đợt mưa, bão lớn. Cây đa còn lại hiện nay cao khoảng 45-50m, đường kính thân từ 4-6m, tán cây xòe rộng che phủ cả đỉnh đồi, tạo ra không gian râm mát. Thân đa chia thành nhiều nhánh bé, trong đó có 5 nhánh lớn tỏa đi các hướng. Do vị trí cây đa nằm trên mỏm đồi Đông co bả, xung quanh là cánh đồng Noóng Luông trải rộng, thoáng đãng, do vậy đứng cách xa khoảng vài km vẫn có thể nhìn thấy. Theo người dân địa phương, cây đa này có tuổi đời khoảng 200 - 300 năm, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất nơi đây. Chính vì vậy, trong tâm thức của mỗi người dân, cây đa là biểu tượng của sự trường tồn, sức sống dẻo dai, chứng kiến những sự đổi thay của đất trời và con người Mường Lựm nói riêng và Yên Châu nói chung.
Ảnh st
Ngay dưới gốc cây đa, ở giữa đỉnh đồi Co bả, một khoảng đất khá bằng phẳng khoảng 40-50m2 vẫn còn đó những hòn đá có kích thước nhỏ nằm rải rác quanh gốc đa, là nơi diễn ra hội nghị thành lập chi bộ Yên Châu (11/6/1948). Đây là những hòn đá vôi tự nhiên đã phong hóa, phần thân chủ yếu nằm dưới lòng đất, một phần nhỏ lộ thiên, bề mặt ghồ ghề, rêu phong. Theo ông Lò Văn Chẹt, ngoài những hòn đá nhỏ xếp xung quanh làm ghế ngồi, thì ở chính giữa còn có một hòn đá lớn, bề mặt khá phẳng phiu để làm bàn cho các đảng viên hội họp. Tuy nhiên, khi làm đường giao thông nông thôn, người dân địa phương đã lấy đi một số hòn đá để làm vật liệu xây dựng. Hiện nay trên đồi Đông co bả, ngoài cây đa còn có các rặng bương và một số cây ăn quả của gia đình ông Hoàng Văn Mỡ (bản Na Băng) như chanh leo, mận (ở phía Tây đồi); còn chân đồi (về phía Bắc và Đông Bắc) trồng ngô; phần còn lại bỏ hoang, cỏ dại mọc.
V. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH.
Địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu là một di tích quan trọng đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng tại Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự ra đời của Chi bộ Yên Châu (11-6-1948) đã khẳng định phong trào cách mạng Sơn La đã vượt qua thời kỳ khó khăn, xây dựng thành công và mở rộng các khu du kích, phát động quần chúng đấu tranh với nhiều hình thức, tiến tới giải phóng Sơn La.
Thiếu nhi Yên Châu tới thăm và nghe thuyết minh về Di tích. Ảnh St
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đồng thời, để quản lý, bảo vệ và khai thác tốt hơn nữa giá trị của di tích gắn với hệ thống di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Yên Châu. Di tích lịch sử - Địa điểm thành lập Chi bộ Yên Châu cần được nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh công nhận xếp hạng. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để tôn tạo, quy hoạch, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích trong công tác giáo dục truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (2002) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, tập 1 (1939-1945), Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (2002) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, tập 2 (1945-1975), Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Châu (2002), Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu (1945-1995), Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Châu (2015), Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu (1945-2015), Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội (tái bản)
5. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu (2002), Lịch sử Đảng bộ huyện Mộc Châu, tập 1 (1945-2000), Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội.
6. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (2014), Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La tập 1 (1939 - 1945), Công ty In Tùng Long, Sơn La.
7. Ban chấp hành Đảng bộ xã Chiềng Sại (2014), Lịch sử Đảng bộ xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên (1945-2010).
8. Ban chấp hành Đảng bộ xã Mường Khoa (2012), Lịch sử Đảng bộ xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên (1945-2010), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
9. Ban chấp hành Đảng bộ xã Tạ Khoa (2014), Lịch sử Đảng bộ xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên (1945-2010).
10. Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Châu (2002), Yên Châu một thời để nhớ, Tài liệu tuyên truyền phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Yên Châu (20/11/1952-20/11/2012).
11. Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Châu (2002), Yên Châu 50 năm xây dựng và phát triển, Tài liệu tuyên truyền phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Yên Châu (20/11/1952-20/11/2012).
12. Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Châu (2015), Tài liệu Hội thảo khoa học xác định ngày thành lập Đảng bộ huyện Yên Châu (tài liệu lưu hành nội bộ).
13. Trần Hạnh - Trần Minh (1995), Hồi ký “Một thời để nhớ”, Nxb Đồng Nai, 1996.
14. Tài liệu “Bản thảo các khu căn cứ du kích của tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) - Đề tài khoa học cấp tỉnh của Hội KHLS tỉnh Sơn La, tháng 9/2017.