|
Đường đến trường của các cô giáo tại Điểm trường Lũng Đẩy, xã Quốc Toản (Quảng Hòa). |
KHÔNG ĐƯỜNG, KHÔNG ĐIỆN, KHÔNG SÓNG ĐIỆN THOẠI
Cách trung tâm huyện Quảng Hòa khoảng 15 km, điểm trường Lũng Đẩy, xã Quốc Toản là một trong nhiều điểm trường còn khó khăn của tỉnh. Từ trục đường tỉnh 205 đến điểm trường khoảng 5 km, nhưng đường chỉ vừa một chiếc xe máy, nếu đi chệch là mất đà, xe trượt dài về phía sau rồi ngã dúi dụi; đi được một đoạn phải xuống gửi xe ở dưới chân dốc rồi đi bộ gần tiếng đồng hồ mới tới được điểm trường. Đó là con đường mà các cô giáo ở Điểm trường Lũng Đẩy hằng ngày vẫn vượt qua để mang cái chữ đến với học sinh nơi đây.
Là xóm vùng cao nằm khuất sau những dãy núi, điểm trường Lũng Đẩy quanh năm không bắt được sóng viễn thông. Điểm trường có 2 lớp ghép (lớp ghép 1 2 3 và lớp ghép 4 5), với 20 học sinh thuộc hộ nghèo đều là con em đồng bào dân tộc Mông. Cô giáo Lục Thị Huệ, phụ trách lớp ghép 1 2 3 chia sẻ: Gia đình tôi ở Thành phố, sáng đi tối về, cứ 6 giờ sáng là tất bật, vội vã đến lớp cho kịp giờ học. Những này nắng khô, đường từ trục đường chính đến điểm trường dễ đi hơn. Nói là dễ đi nhưng nếu không quen thì ngã là chuyện bình thường. Học sinh là dân tộc Mông, giao tiếp đã khó, dạy học lại càng khó hơn. Dù đã có thâm niên công tác trong nghề giáo gần 20 năm, nhiều điểm trường khó đều đã từng đến nhưng điểm trường Lũng Đẩy vẫn là nơi khó nhất từ khi tôi nhận công tác.
|
Bữa ăn trưa của học sinh tại Điểm trường Lũng Đẩy, xã Quốc Toản (Quảng Hòa). |
Cô giáo Hoàng Thị Hạnh là người bạn đồng hành cùng cô Lục Thị Huệ trên hành trình mang tri thức đến cho Điểm trường Lũng Đẩy mỗi ngày, cho biết thêm: Không chỉ khó khăn về đường đi, tại điểm trường không có sóng điện thoại, hôm nào đi dạy là các thiết bị điện tử trở nên vô tác dụng. Nhiều khi, các cô giáo ở điểm trường chính muốn liên lạc trao đổi công việc phải đợi đến ngày hôm sau hoặc người nhà có chuyện cần báo gấp cũng phải đợi đến khi hết giờ dạy học ra tới trục đường chính mới liên lạc được. Đường khó đi vất vả là vậy, quanh năm đến trường chẳng bao giờ được đi đôi giầy đẹp mà phải đi ủng. Các giáo viên cùng ăn và nghỉ trưa với học sinh sau đó lại lên lớp, quần áo cũng chẳng bao giờ được tươm tất, gọn gàng.
Điểm trường Lũng Rượi, xã Phi Hải cũng là một trong những điểm trường còn nhiều khó khăn của huyện Quảng Hòa. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 3 km nhưng điểm trường Lũng Rượi không có điện. Tại điểm trường có 1 lớp ghép 1 2, với 8 học sinh đều là dân tộc Mông. Cô Bế Thị Thủy, giáo viên phụ trách lớp học cho biết: Sau khi ra trường, tôi được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Mông Ân (Bảo Lâm) được 11 năm. Sau khi chuyển công tác tại huyện Quảng Hòa, tôi được phân công đến điểm trường Lũng Rượi thuộc Trường Tiểu học Phi Hải. Học sinh ở điểm trường là đồng bào dân tộc Mông, nhà xa trường, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Những hôm trời mưa, lớp học sẽ nghỉ vì học sinh không thể tới lớp được. Dạy học Chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh cũng rất khó khăn, nhưng khó khăn nhất phải kể đến việc không có điện. Chính vì không có điện nên phương pháp dạy học của cả cô và trò đều là thủ công. Mùa hè thì nóng, mùa đông thì rét buốt, chưa kể những hôm trời âm u, sương mù còn bay cả vào lớp học, ánh sáng còn không đủ thì làm sao dạy học.
Khó khăn về vật chất hay điều kiện sinh hoạt, giảng dạy chưa từng làm các cô giáo nản chí "cõng chữ lên non". Không có món quà nào hạnh phúc bằng những ánh mắt trẻ thơ khi được học con chữ, được tìm hiểu và học tập kiến thức dưới mái trường và sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo. Đây có lẽ cũng là động lực to lớn giúp các thầy, cô giáo vững tâm bám lớp, bám trường, đem con chữ đến với học sinh.
LỚP HỌC CHIA HAI, KHÔNG TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG
Tất cả lớp học ghép tại các điểm trường đều không có tiếng trống trường. Mặc dù không có tiếng trống trường nhưng các em đều đến trường và đi học đúng giờ. Thời gian học tập, sinh hoạt ăn, nghỉ được các cô giáo tự điều chỉnh. Bữa ăn được các em học sinh mang từ nhà đến hoặc các cô giáo nấu mì tôm, cơm với rau rừng cùng học sinh ăn qua bữa.
|
Lớp học ghép tại Điểm trường Lũng Đẩy, xã Quốc Toản (Quảng Hòa). |
Vì là lớp học ghép nên thông thường trong lớp sẽ được chia làm hai lớp. Một nửa học kiến thức của chương trình lớp 1 và một nửa còn lại học kiến thức của chương trình lớp 2. Các lớp ghép lớn hơn cũng chia đôi để học. Cô giáo dạy lớp ghép nghiễm nhiên có hai công việc giảng dạy cùng một lúc, so với các lớp bình thường thì dạy lớp ghép sẽ có những khó khăn, vất vả và mệt mỏi hơn.
Để chương trình giảng dạy đạt hiệu quả, các cô giáo thường phân lớp ra thành hai hướng, phòng học được bố trí các dãy bàn với 2 cái bảng để học sinh khối lớp quay lưng lại với nhau. Khi học sinh lớp 1 học tiếng Việt, thì các em lớp 2 học Toán. Dạy học lớp ghép gặp phải không ít rào cản, đặc biệt là đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, các thầy, cô giáo phải bao quát học sinh cả 2 lớp cùng lúc. Chính vì thế, nhiều thầy, cô đã lựa chọn học sinh có học lực tốt để giúp theo dõi các bạn học tập. Nói cách khác, các bạn giống như những người "thầy" thứ hai, hỗ trợ thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cô Lương Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phi Hải cho biết: Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 1 điểm trường chính, 2 phân trường, 1 điểm trường lớp ghép với tổng số 280 học sinh. Để chương trình giáo dục lớp ghép đạt hiệu quả, các thầy, cô giáo trong nhà trường xây dựng mô hình giảng dạy "Những người thầy nhỏ" nhằm chọn những học sinh có nhận thức nhanh, sẽ được thầy cô phát hiện, bồi dưỡng kiến thức. Từ đó, các em có năng lực trong tổ chức, quản lý lớp, nhờ vậy, các em sẽ có ý thức hơn trong học tập.
Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chuyện học sinh bỏ học là điều bình thường, đặc biệt khi vào vụ măng hay mùa rẫy, các em phải theo bố mẹ đi làm rẫy, lên rừng hái măng phụ giúp gia đình. Trước đây, ngoài chuyên môn giảng dạy, các thầy cô còn phân công nhau ngoài giờ lên lớp đến từng hộ gia đình vận động các em đi học lại. Có những gia đình ở xa, thầy cô phải đi bộ cả ngày đường đến từng nhà vận động học sinh trở lại lớp. Thế nhưng, dù vất vả, khó khăn là vậy, nhưng các thầy, cô giáo chưa bao giờ nản chí, bỏ lớp, bỏ trường.
Thật khó có thể nói hết những khó khăn của những thầy, cô giáo vùng cao, vượt lên gian khó, họ vẫn từng ngày cần mẫn ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh để gieo mầm cho những ước mơ. Bằng sự tận tâm, tận lực của mình, họ đã và đang làm cho con chữ dần nảy mầm trong đá.