1. Di tích lịch sử Cây đa Pắc Ma
Di tích Cây đa Pắc Ma. Ảnh HĐQN
Cây đa Pắc Ma, thuộc xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai. Là cây mọc tự nhiên ở tại bản Pắc Ma, xã Pắc Ma, cách đường liên tỉnh 171 khoảng 300m trên một quả đồi có dáng như Yên Ngựa. Trong thời kỳ kháng chiến Chống thực dân Pháp, huyện Quỳnh Nhai có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là cửa ngõ để ta có thể từ Than Uyên đi vào, tiến sang Tuần giáo và lên Điện Biên. Tại khu vực cây đa này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1952 bộ đội ra đã tiêu diệt được 72 tên địch trong tiểu đoàn Ta Bo thứ 17 quân Viễn Chinh Pháp, thu được nhiều vũ khí. Với trận đánh thắng lợi này đã góp phần chọc thủng phòng tuyến Sông Đà của địch, giải phóng hoàn toàn Quỳnh Nhai, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng thọc sâu và giành thắng lợi to lớn trong hai đợt của chiến dịch tiến công giải phóng Tây Bắc.
Cây đa là một chứng tích gắn với thắng lợi của bộ đội ta trong chiến dịch Tây Bắc. Nhân dân địa phương thường gọi là cây đa Pắc Ma (gọi theo tên địa danh). Thấy rõ vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Bắc, tháng 2 năm 1946 thực dân Pháp đánh chiếm Lai Châu và thiết lập ngay bộ máy ngụy quyền. Chúng ra sức lùng sục cán bộ, truy tìm và bắt giam, tra tấn những người ủng hộ và đi theo cách mạng.
Di tích ngày nay. Ảnh HĐQN
Có thể nói trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1950 là giai đoạn đầy khó khăn và thử thách với nhân dân các dân tộc Quỳnh Nhai. Giành chính quyền chưa được bao lâu, lại là huyện duy nhất của tỉnh Lai Châu giành được chính quyền nên Quỳnh Nhai trở thành trung tâm để thực dân pháp và tay sai chĩa mũi nhọn tập trung đánh chiếm.
Chiến dịch Biên giới cuối năm 1950 của ta thắng lợi, buộc thực Dân Pháp rút quân từ Lào Cai về Lai Châu. Chúng chia quân đóng thêm nhiều đồn ở các vùng cơ sở của ta, rải quân ở nơi tiếp giáp giữa các Huyện phía Bắc (Quỳnh Nhai, Sìn Hồ, Than Uyên) và các đường giao thông thủy, bộ rất chặt chẽ. Ngoài ra chúng còn tăng cường tuyển ngụy binh, điều quân tiếp viện ở miền xuôi lên, chúng sửa sang làm thêm các sân bay tại Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên. Sau một thời gian củng cố, lấy Lai Châu làm hành lang phòng thủ cho Lào Bắc liên tiếp từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1931, địch mở các cuộc càn quét vào cơ sở của ta ở Điện Biên, Tuần Gíao, Quỳnh Nhai và cùng dọc Sông Đà.
Di tích cây đa Pắc Ma là một vật chứng, chứng minh trận tập kích Pắc Ma của bộ đội ta vào tháng 10/1952. Với trận thắng lợi này đã góp phần chọc thủng phòng tuyến Sông Đà của địch giải phóng hoàn toàn huyện Quỳnh Nhai, tạo điều kiện giành thắng lợi to lớn trong đợt I của chiến dịch Tây Bắc. Năm 2007, Di tích đã được phê duyệt là Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 28/02/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
2. Đền Linh Sơn Thủy Từ và Nàng Han điểm du lịch văn hóa tâm linh
Có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ XVII thờ nữ tướng Anh hùng của dân tộc, người dân nhiều nơi của 16 Châu Thái, trong đó có Châu Chiên (Châu Quỳnh Nhai) đã lập đền thờ Nàng Han (tại bản Mường Chiên, xã Mường Chiên), thờ cúng vào dịp lễ, tết và tổ chức Lễ hội Gội đầu vào chiều 30 tết hàng năm. Cầu mong được che chở, ban phát cho con người sức khỏe, tình yêu, hạnh phúc và Bản, Mường yên vui, mùa màng bội thu.
Đền Sơn Linh Thuỷ Từ và Nàng Han. Ảnh HĐQN
Thực hiện công cuộc di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La, hơn 8000 hộ dân của huyện Quỳnh Nhai đã phải di chuyển ra khỏi vùng ngập. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân các dân tộc Quỳnh Nhai, năm 2012 huyện đã tổ chức di dời khôi phục, xây dựng Đền Nàng Han đến địa điểm Huổi Nghịu, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Đền Linh Sơn Thủy Từ là nơi thờ các vị thần linh (Thần Sông, Thần núi; Tạo bản, Tạo Mường có công khai phá vùng đất Quỳnh Nhai). Đền thờ Nàng Han, vị Nữ tướng Anh hùng, câu chuyện huyền thoại về Nàng Han luôn là niềm tự hào của người Thái Quỳnh Nhai.
Ảnh st
Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng mà còn là điểm du lịch hấp dẫn gắn với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ hội Gội đầu chiều 30 tết; lễ hội Đua thuyền truyền thống vào ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm thu hút nhiều du khách; người dân khắp bốn phương biết đến./.
3. Cây Cầu Pá Uôn
Được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận cầu có trụ cao nhất, cầu Pá Uôn bắc qua hồ sông Đà là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam, nằm trên Quốc lộ 279 (thuộc địa phận xã Chiềng Ơn huyện Quỳnh Nhai). Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc khác như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Cầu có tổng chiều dài 1.418m, chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Hàng năm Lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức tại chân cầu.
Ảnh st