Mở đầu: SƠN LA MIỀN ĐẤT - CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ
Sơn La là một tỉnh vùng núi cao, nằm phía Tây Bắc nước Việt Nam, được thành lập từ năm 1904 tách ra từ trung khu Vạn Bú Nghĩa Lộ, gồm 6 châu: Mường Muổi (Thuận Châu), Mường La, Mường Mụa (Mai Sơn), Mường Vạt (Yên Châu), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Tấc (Phù yên, Bắc Yên). Tỉnh lỵ được đặt trên đồi Khau Cả thuộc châu Mường La (Thành phố Sơn La ngày nay).

Thời Hùng Vương, Sơn La thuộc bộ Tân Hưng, thời nhà Lý thuộc châu Lâm Tây, thời Trần thuộc lộ Đà Giang và Qui Hoá, sau đó là trấn Thiên Hưng, thời Lê thuộc 16 châu Thái, đến thời nhà Nguyễn gọi là vùng Thập Châu thuộc phủ Hưng Hoá.

Hiện nay Sơn La có 10 huyện và 1 thành phố là trung tâm vùng Tây Bắc, vào khoảng 20o39' đến 22o05' và 103o15' đến 105o15' kinh đông. Phía Bắc giáp Lào Cai, Yên Bái, phía nam giáp Thanh Hoá, phía đông giáp Hoà Bình, Vĩnh Phú, phía Tây giáp Điện Biên và CHDC nhân dân Lào.

Diện tích Sơn La rộng 14.200 km, có 250km đường biên giới giáp Lào. Địa hình Sơn La rất phức tạp, núi rừng trùng điệp, hiểm trở, bị chia cắt nhiều bởi những dãy núi đá vôi tạo nên những thung lũng, lòng chảo, bồn địa và cao nguyên. Vùng cao chiếm 3/5 diện tích, với độ cao từ 800 - 1000m. Điểm cao nhất là đỉnh Tà Phìn (Bắc Yên) cao 2.879m. Dải núi phía bắc chạy dài từ Tây Bắc về đến Đông Nam qua các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu là một phần của dãy Hoàng Liên Sơn, có độ dốc lớn, hợp cùng một mảng phụ lưu sông Đà tạo nên cánh đồng Phù Yên phì nhiêu nổi tiếng Tây Bắc. Vùng rừng núi phía Nam và Tây Nam gồm các huyện: Thuận Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Yên Châu và một phần đất Mộc Châu, dọc theo chiều dài biên giới Việt - Lào, địa hình bị chia cắt bởi nhiều dải núi đá vôi và phụ lưu sông Mã, có đỉnh núi cao tới 1940m. Xen giữa 2 dãy núi trên là 2 cao nguyên Nà Sản (còn gọi là cao nguyên Sơn La) có độ cao 700m và cao nguyên Mộc Châu cao 1050m, nằm trên trục đường quốc lộ 6, rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Địa hình vùng lòng chảo, thung lũng hình thành các cánh đồng trồng lúa nước lớn, vừa và nhỏ do phù sa các sông suối bồi đắp tạo nên, đất đai phì nhiêu, màu mỡ.

Sơn La có 2 con sông lớn là sông Đà và sông Mã, đều chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có lắm thác nhiều ghềnh, tiềm ẩn điện năng rất lớn nhưng cũng gây nhiều khó khăn cho giao thông đường thuỷ. Năm 1994 thuỷ điện Hoà Bình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nước sông Đà dâng cao tạo thành vùng lòng hồ rộng, thuận tiện cho thuyền bè đi lại và hình thành khu kinh tế vùng lòng hồ và vùng dọc sông. Ngoài ra Sơn La còn có hệ thống suối lớn, nhỏ dày đặc và dốc, thuận tiện cho việc phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ, đáp ứng một phần điện sinh hoạt cho nhân dân và các dân tộc.

Khí hậu Sơn La chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 nóng ẩm, mưa nhiều: mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau lạnh và ít mưa. Do đó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sông suối, mùa khô dòng chảy rất nhỏ, một số vùng bị cạn, gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Mùa mưa gây lũ lụt gây sạt lở đường gây ách tắc giao thông và phá hoại sản xuất nghiêm trọng.

Rừng Sơn La chiếm 3/4 diện tích tự nhiên, trong đó có nhiều động thực vật quý hiếm. Nhưng do việc khai thác bảo vệ đã không được quy hoạch, nên đến nay độ che phủ chỉ còn 10% diện tích. Rừng bị tàn phá, đất bị xói lở, bạc màu gây lũ lớn.

Sơn La có một số mỏ quặng như: đồng, niken, vàng, bạc, than… song việc điều tra trữ lượng và công nghiệp khai khoáng mới là bước đầu, tiến hành với quy mô nhỏ.

Thời thuộc Pháp hệ thống giao thông của Sơn La kém phát triển. Trước năm 1939 đường thuỷ sông Đà là tuyến đường giao thông chính nối liền Sơn La với các tỉnh đồng bằng. Năm 1933 do yêu cầu thống trị và khai thác thuộc địa, thực dân Pháp cho mở đường 41 (Quốc lộ 6 ngày nay) đến năm 1939 được khai thông. Từ kháng chiến chống Pháp đến nay Sơn La đã phát triển thêm nhiều đường giao thông: đường 13A nối liền Yên Bái - Phù Yên - Bắc Yên - Cò Nòi; đường Mộc Lỵ - Pa Háng đi Sầm Nưa (Lào), đường Mai Sơn - Sông Mã qua Chiềng Khương và sang đất bạn Lào. Các đường nội tỉnh nối giữa các huyện với tỉnh lỵ, các tuyến đường từ huyện đến các xã, bản. Tổng chiều dài đường ôtô của tỉnh hiện có 2902km, trong đó có 272km đường nhựa, 1954km đường đất và giải cấp phối, chủ yếu chỉ đi được mùa khô. Hiện nay toàn tỉnh có trên 40 xã chưa có đường ôtô vào đến trung tâm xã. Ngoài ra Sơn La còn có sân bay Nà Sản nối liền với đường bay quốc tế Nội Bài.

Hệ thống giao thông tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng về cơ bản đã đảm bảo được nhu cầu xây dựng và phát triển linh tế - văn hoá, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Với một đặc điểm tự nhiên như trên, Sơn La đã phân định 3 vùng kinh tế chủ đạo. Đó là vùng trục đường quốc lộ 6, vùng lòng hồ sông Đà và vùng cao, biên giới. Tuy có nhiều đặc điểm phát triển sản xuất khác nhau, nhưng đều nhằm thúc đẩy nền kinh tế Sơn La phát triển thành "tỉnh mạnh, dân giàu, xã hội công bằng văn minh".

Dân số Sơn La theo báo cáo thống kê năm 1994 là 82.500 người, mật độ trung bình khoảng 60 người/km2, gồm 12 dân tộc anh em chung sống. Đó là các dân tộc: Thái chiếm 57%, Kinh: 28%, Hmông: 10%, Xinh Mun: 0,86%, Mường: 0,7%, Khơ Mú: 0,64%, La Ha: 0,57%, Kháng: 0,43%, Dao: 0,29%, Tày: 0,09%, Lào: 0,36%, Hoa: 0,03%... các dân tộc cư trú xen kẽ ở tất cả các vùng. Việc cư trú của đồng bào các dân tộc ở vùng cao có vị trí hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc phòng. Quá trình sinh sống đồng bào luôn phải đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt và giặc dã để tồn tại, phát triển. Tuy mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá, phong tục tập quán riêng, nhưng các dân tộc ở Sơn La có truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, không chịu khuất phục trước thiên tai, địch hoạ và bất công xã hội.

Các dân tộc Sơn La đã sáng tạo nên nền văn hoá dân gian độc đáo và phong phú. Từ các tác phẩm văn học dân gian, truyện cổ, ca dao, tục ngữ nổi tiếng của người Thái, người Hmông… các điệu múa xoè Thái, múa chuông Dao, múa khèn Hmông đến các điệu dân ca với nhiều loại hình: hát ru, hát đối, hát giao duyên, hát hội, hát bên mâm rượu, mừng lên nhà mới, mừng con cháu dựng vợ gả chồng… đều mang đậm bản sắc dân tộc. Về nghệ thuật tạo hình được thể hiện trên trang phục của các dân tộc: dệt thổ cẩm của dân tộc Thái, Mường, thêu vẽ hoa văn của người Hmông, Dao… và đặc biệt người Thái đã có chữ viết từ lâu đời.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, các dân tộc Sơn La luôn kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, đồng thời năng động và sáng tạo phát triển kinh tế xã hội, coi trọng tiếp thu những tinh hoa văn hoá của thời đại, làm giàu bản sắc dân tộc, góp phần bổ sung vào kho tàng văn hoá của cả dân tộc Việt Nam.

 

*

*    *

Trải qua những biến thiên của lịch sử, một thời gian dài trước khi thực dân Pháp xâm lược và cả thời gian thuộc Pháp, so với cả nước, Sơn La là tỉnh phát triển chậm, mới ở thời kỳ đầu của chế độ phong kiến, tính chất cát cứ rất nặng nề. Mỗi Mường đều do một dòng họ quý tộc trị vì theo hình thức cha truyền con nối. Quyền lực tập trung trong những dòng họ quý tộc Thái như họ: Lò, họ Bạc, họ Sa, họ Cầm, họ Hoàng, họ Điêu…

Tháng 1 - 1888 thực dân Pháp đánh chiếm Sơn La. Chúng thiết lập bộ máy thực dân cai trị và đàn áp người dân trong tỉnh, nhưng vẫn giữ nguyên bộ máy chính quyền phong kiến. Chúng tăng cường xây dựng nguỵ quân, nguỵ quyền và hệ thống đồn bốt ở các nơi trong toàn tỉnh, kiểm soát và điều khiển phần lớn lực lượng để khống chế các thủ lĩnh châu, mường.

Do phải sống dưới chế độ hà khắc của thực dân, phong kiến, mâu thuẫn giữa hai lực lượng xã hội đối lập nhau gay gắt và quyết liệt: một bên là quảng đại quần chúng nhân dân các dân tộc bị áp bức và một bên là bọn thực dân, phong kiến tay sai thống trị, bóc lột nhân dân các dân tộc.

Các cuộc nổi dậy giành quyền sống vì thế nổ ra thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc, đặc biệt lớp người trẻ tuổi.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các cuộc nổi dậy nổ ra liên tiếp. nổi bật có nghĩa quân Thập châu. Ngay từ năm 1873, khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nghĩa quân phần lớn là thanh niên của các châu Mường La, Mường Muổi, Mường Mụa, Mường Vạt, Mường Sang… đã sát nhập với nghĩa quân Thập châu do Nguyễn Quang Bích và Lưu Vĩnh Phúc lãnh đạo kéo về phối hợp với những đạo quân khác ở miền xuôi đánh giặc ở Hà Nội. Tháng 4 - 1882 thực dân Pháp tấn công Hà Nội lần thứ 2. Thành Hà Nội thất thủ. Nghĩa quân Thập châu sau khi bức quân "cờ vàng" rút, lại kéo về vây giặc ở Hà Nội.

Năm 1883 vua Tự Đức mất, triều đình phân hoá thành 2 phái, chủ chiến và chủ hoà. Nghĩa quân Thập châu một lòng theo phái Tôn Thất Thuyết, kiên quyết đánh giặc và là một trong những lực lượng nòng cốt của đạo quân Sơn Tây. Ngay sau khi triều đình ra lệnh triệt thoái đạo quân Sơn Tây, nghĩa quân Thập châu vẫn bất chấp sự nhu nhược của triều đình, ở lại cùng quân "cờ đen" kiên quyết đánh địch, cho đến khi thành Sơn Tây thất thủ mới kéo về phòng thủ thành Hưng Hoá và đã nhiều lần đánh địch ở Bắc Ninh, phủ Lạng Thương (Hà Bắc ngày nay) và thành Tuyên Quang, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước bán nước patơnots (Patenotre) thừa nhận quyền "bảo hộ" của Pháp ở Bắc Kỳ. Hiệp ước này buộc các lực lượng kháng chiến phải triệt thoái quân đội. Nhưng một số nghĩa quân vẫn tiếp tục vận động nhân dân đánh địch. Năm 1885, nghĩa quân dần dần phục hồi, nhân dân Thập châu hưởng ứng hịch Cần vương của vua Hàm Nghi, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Quang Bích đã ra sức chiến đấu cản bước tiến của thực dân Pháp.

Tháng 2 - 1886 thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm vùng Tây Bắc. Tháng 1 - 1888 giặc Pháp từ Lào Cai đánh vào Sơn La. Nhân dân các dân tộc nổi dậy chống lại chúng ở khắp nơi. Tại pháo đài Dua Cá (bản Cá, Phường Chiềng An, TP Sơn La) nghĩa quân Mường La đã anh dũng chiến đấu gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở Mộc Châu thủ lĩnh Sa Văn Nọi đã tập hợp nghĩa quân ở Phiêng Luông để đánh Pháp. Ở xã Quang Minh (Mộc Châu) Hà Văn Pấng (vua Ta Hay) cũng tập hợp, vận động nhân dân Thái, Mường, Dao tham gia chống Pháp.

Do lực lượng quá chênh lệch, cuộc chiến đấu của nghĩa quân và nhân dân Sơn La không giành được thắng lợi. Tỉnh Sơn La và cả khu Tây Bắc rơi vào tay thực dân Pháp. Nhưng phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân các dân tộc Sơn La vẫn thường xuyên nổ ra. Năm 1889, phong trào "quan sinh" do Thôn Sâu lãnh đạo nổ ra ở bản Thải (Phù Yên). Năm 1897, cuộc bạo động do Bô Khụt cầm đầu ở Mường Bú (Mường La). Cùng thời gian nổ ra cuộc bạo động ở Tường Phù (Phù Yên) do Quàng Văn Nhăng lãnh đạo.

Sau khi bình định Sơn La, năm 1908 thực dân Pháp xây nhà ngục Sơn La trên đồi Khau Cả (Tỉnh lỵ) nhằm đàn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Nhưng các cuộc đấu tranh của nhân dân vẫn không bị dập tắt. Cai Khạt, trước đi lính cho Pháp, sau đó bị chúng bắt giam vì tội mưu phản nhà nước bảo hộ. Năm 1912, ông đã vận động anh em binh lính nổi dậy phá nhà ngục Sơn La, cướp kho súng, chiếm dinh Chánh sứ và kho bạc. Nhưng sau đó bị địch đàn áp dã man.

   Từ năm 1914-1917 nhân dân các dân tộc Sơn La hưởng ứng phong trào đánh Pháp rộng lớn của nghĩa quân Lường Sám ở Sầm Nưa (Lào) đánh vào Sông Mã, Mai Sơn và kéo lên chiếm tỉnh lỵ Sơn La bao vây đồn Khau Cả, gây cho địch nhiều thiệt hại. Chúng phải điều nhiều binh đoàn từ Yên Bái, Hòa Bình lên mới dập tắt được.

Năm 1918-1922, cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mông dưới sự lãnh đạo của A Chay, được đông đảo các dân tộc vùng thượng Lào và Tây Bắc ủng hộ đã làm cho địch nhiều phen điêu đứng.

Từ 1925-1937, đông đảo nhân dân các châu Phù Yên, Thuận châu, Mường La, Yên Châu, Mai Sơn... đã hưởng ứng phong trào “Chiều dân tống thẻ” đấu tranh chống lại bọn phong kiến, tay sai đòi giảm thu thuế, bớt ruộng chức, bớt thu phen tạp dịch và bọn phìa tạo không được lấn chiếm ruộng công, phong trào lan rộng và ngày càng phát triển mạnh mẽ khiến thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai hoảng sợ, phải tìm mọi cách khống chế và đàn áp.

                 Các cuộc nổi dậy nổ ra liên tục và mạnh mẽ phản đối chính sách thống trị và ách áp bức bóc lột tàn bạo của đế quốc, phong kiến. Song do thiếu một đường lối chính trị đúng đắn và trình độ tổ chức non kém nên đều bị kẻ thù khủng bố, đàn áp dã man và cuối cùng bị tan rã

   Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt nam ra đời đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam chuyển sang một bước phát triển mới và vững chắc. Thực dân Pháp lo sợ đã ráo riết xây dựng và mở rộng các nhà tù với qui mô lớn để giam cầm và đầy ải các chiến sỹ cách mạng ưu tú của Đảng. Nhà tù Sơn La trở thành một trong những nhà tù chính trị lơn nhất của cả nước. Nhưng cũng chính từ đây ánh sáng cách mạng của Đảng cộng sản đã tỏa ra soi đường cho nhân dân các dân tộc Sơn La đứng lên làm cách mạng giành độc lập tự do và đã lập nên những chiến công vẻ vang, tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc trong đó có sự đóng góp xứng đáng của thanh niên các dân tộc Sơn La, lớp người sung sức nhất, nhạy bén và năng động nhất, luôn đi đầu trong mọi phong trào và cách mạng, sẵn sàng xả thân vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự công bằng và tiến bộ xã hội.

 

image banner
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 3675
  • Trong tuần: 22 296
  • Tất cả: 3811440
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH SƠN LA
Giấy phép hoạt động số: 12/GP-TTĐT ngày 06/01/2012 của Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử
Địa chỉ: Đồi Khau Cả - Tổ 8 phường Tô Hiệu - TP Sơn La
 Ban biên tập Trang thông tin điện tử: TỈNH ĐOÀN SƠN LA
 Cơ quan chủ quản: BAN TỔ CHỨC XÂY DỰNG ĐOÀN 
 Điện thoại: 0212.3850.041 Email: bantcxdd.tdsl@gmail.com
Bản đồ số địa chỉ đỏ tuổi trẻ sơn la